Thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm đèn LED. Cuộc chiến về giá với những sản phẩm kém chất lượng.
Không lâu trước đây, Đội quản lý thị trường quận Tân Phú - Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện hơn 67.000 bóng đèn led xuất xứ Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy, thị trường đèn led ở Việt Nam đang có nguy cơ bị các dòng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất sứ, không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng bủa vây.
Các loại đèn led nhập lậu khi đi vào Việt Nam, trốn đủ các loại thuế đang khiến cho thị trường thiết bị chiếu sáng trở nên thiếu minh bạch, gây nhiễu loạn người tiêu dùng. Các loại sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và thiếu kiểm định chất lượng này có một “lợi thế” lớn, đó là giá thành rẻ hơn các sản phẩm sản xuất trong nước nhiều lần.
Yếu tố quan trọng nhất mà khách hàng quan tâm thường là giá cả của các mặt hàng này. Đây là một điểm bất lợi giữa sản phẩm đèn led chính hãng so với các loại đèn led trôi nổi, nhập lậu.
Thêm nữa, các loại đèn led trôi nổi thường được “trang trí” bằng những hộp bao bì, mẫu mã vô cùng bắt mắt. Trên vỏ hộp lại có những ký hiệu, thông số ảo thu hút, hấp dẫn người mua như tuổi thọ từ 50.000 - 100.000 giờ hay đèn công suất 2w lại ghi nhãn 5w. Để chinh phục người tiêu dùng, các nhà sản xuất hàng trôi nổi này còn tung ra chiêu quảng cáo “siêu tiết kiệm” điện năng tiêu thụ…
Các chủ cửa hàng vì chạy theo lợi nhuận cũng không ngại quảng cáo nhiệt tình cho loại đèn led nhập lậu, nào là bao rẻ, bao sáng, siêu bền rồi siêu tiết kiệm. Người tiêu dùng vì thế dễ dàng bị đánh lừa cảm giác, lựa chọn các loại mặt sản phẩm này với rất nhiều tính năng tưởng chừng siêu việt mà không biết rằng mình vừa mua hàng nhập lậu với đặc trưng là... siêu nhanh hỏng.
Không những vậy, theo các nhà quản lý thị trường, không chỉ có dòng đèn led nhập lậu mà chính các tổ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ Việt Nam cũng nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp. Các tổ sản xuất này sao chép cả mẫu mã lẫn bao bì sản phẩm và không ngại ghi những thông số “trên trời” vào bao bì để rồi thu lợi bất chính.
Nhiều doanh nghiệp tự bảo vệ khách hàng bằng cách cung cấp thông tin sản phẩm thông qua check mã QR bằng điện thoại.
“Chuẩn” nào cho đèn led xịn?
Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, hiện nay có 18 TCVN cho đèn led. Hệ thống TCVN về đèn led có thể chia thành 4 loại: tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn tính năng, tiêu chuẩn phương pháp thử và tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng.
Đèn Led hiện nay đã được đưa vào danh mục phương tiện thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo quyết định số 04/2017/QĐ-TTG. Tuy nhiên việc dán nhãn này chỉ trở thành bắt buộc kể từ ngày 1/1/2020, bà Hà cho hay.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, để có thể mua và sử dụng các loại đèn led chất lượng, người tiêu dùng cần tìm đến những nhà sản xuất uy tín, có thương hiệu. Không nên mua đèn led vì giá rẻ, nhất là những sản phẩm trôi nổi không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng về tuổi thọ sản phẩm cũng như tiết kiệm điện năng.
Để lựa chọn được sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đầu tiên, người tiêu dùng cần định hình được rằng, để sản xuất được 1 bóng đèn led chất lượng tốt, nhà sản xuất phải giải quyết được tối thiểu 6 vấn đề: LEDS - Nhiệt - Điện - Quang học - Cơ học - Liên kết. Một ví dụ cơ bản, nếu như nhiệt độ chân hàn Tj của chip LED mà tăng lên 20 độ C thì tuổi thọ của con led giảm đi một nửa.
Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, không chỉ nói riêng thị trường đèn LED, mà trên tất cả hàng hóa.
Chúc bạn thành công!
Tác giả bài viết: Kiều Diễm
Nguồn tin: Thảo Quyên - Báo mới.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn